Rùa biển Việt Nam và sự hiện diện hiếm hoi tại Phú Quốc

Trải qua hàng triệu năm, rùa biển vẫn âm thầm di chuyển giữa những đại dương rộng lớn, thực hiện những chuyến di cư kỳ diệu nhất của thế giới tự nhiên.
Tại Việt Nam, rùa biển từng là một phần quen thuộc của các vùng biển, nhưng ngày nay, hình ảnh ấy đang dần trở nên hiếm hoi – và ở Phú Quốc, việc bắt gặp một cá thể rùa trong tự nhiên gần như đã trở thành một điều đặc biệt quý giá.

1. Những loài rùa biển tại Việt Nam
Việt Nam ghi nhận sự hiện diện của năm loài rùa biển:
– Rùa xanh (Vích) (Green Turtle – Chelonia mydas)
– Đồi mồi (Hawksbill Turtle – Eretmochelys imbricata)
– Rùa da (Leatherback Turtle – Dermochelys coriacea)
– Rùa biển đầu to/Quản đồng (Loggerhead Turtle – Caretta caretta)
– Đồi mồi dứa (Olive Ridley Turtle – Lepidochelys olivacea)

Các Loài Rùa Biển, Nguồn Viet Nam Marine Megafauna Network Mạng Lưới động Vật Biển Việt Nam
Các Loài Rùa Biển, Nguồn Viet Nam Marine Megafauna Network – Mạng Lưới động Vật Biển Việt Nam

Tất cả đều nằm trong danh sách các loài nguy cấp của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và được bảo vệ nghiêm ngặt tại Việt Nam.

2. Những khu vực còn rùa biển sinh sống tại Việt Nam
Hiện nay, các quần thể rùa biển tại Việt Nam đã suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số khu vực ven biển và hải đảo được ghi nhận là nơi rùa biển sinh sống và sinh sản, bao gồm:
– Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu): Là nơi quan trọng nhất cho hoạt động sinh sản của rùa biển tại Việt Nam, đặc biệt là loài rùa xanh (Vích). Theo thống kê từ Vườn Quốc gia Côn Đảo, từ ngày 1/1-15/4, 2024 rùa biển lên bãi đẻ thành công 65 tổ, 13 rùa mẹ được đeo thẻ theo dõi, 65 tổ được ấp nở, và 3.374 cá thể rùa con được thả về biển có kiểm soát.
– Hòn Cau (Bình Thuận): Là khu vực có rạn san hô và hệ sinh thái biển đa dạng, từng ghi nhận rùa biển lên đẻ trứng, dù hiện tại số lượng không còn nhiều.
– Khu bảo tồn biển Hòn Mun (Khánh Hòa): Vào ngày 4/10/2024, một cá thể rùa biển đã được camera hành trình của chuyên viên Phòng Bảo tồn thuộc Ban Quản lý vịnh Nha Trang ghi nhận tại vùng biển Hòn Mun. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, rùa biển xuất hiện trở lại tại khu vực này.
– Quảng Trị, Quảng Nam, Ninh Thuận: Một số bãi biển tại đây cũng từng được ghi nhận có rùa lên đẻ trứng, nhưng hiện rất hiếm gặp.
Tại những nơi này, các chương trình bảo tồn như di dời trứng rùa lên bờ để ấp nở an toàn và thả rùa con về biển đang được thực hiện đều đặn nhằm bảo vệ vòng đời tự nhiên của chúng.

3. Rùa biển tại Phú Quốc: Sự hiện diện mong manh
Tại Phú Quốc, chỉ ghi nhận sự hiện diện của hai loài rùa biển: Rùa Hawksbill (Đồi mồi) và Rùa xanh (Vích)

Một số địa danh trên đảo còn lưu lại dấu vết gắn liền với loài rùa, như:
– Hòn Đồi Mồi, nơi đồi mồi từng thường xuyên xuất hiện, kiếm ăn tại một trong những rạn san hô lớn nhất Phú Quốc.
– Biển Chuồng Vích, có lẽ từng là bãi đẻ truyền thống của rùa xanh.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của du lịch thiếu bền vững, ô nhiễm, đánh bắt trái phép, và ghe cào đã khiến số lượng rùa biển tại Phú Quốc suy giảm nghiêm trọng.
Ngay cả trong giai đoạn mùa sinh sản từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm, khả năng bắt gặp một cá thể rùa cũng trở nên cực kỳ hiếm hoi.
Hơn 10 năm qua, Phú Quốc không còn ghi nhận tổ rùa sinh sản tự nhiên nào.
Loài đồi mồi tại đây hiện được xếp hạng Cực kỳ nguy cấp bởi IUCN.

4. Những tín hiệu hy vọng nhỏ bé
Dẫu vậy, những tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện trở lại.
Gần đây, OnBird đã ghi nhận một cá thể đồi mồi xuất hiện tại Phú Quốc – một tia hy vọng mong manh cho sự hồi sinh.
Theo quan sát của đội ngũ OnBird:
– Tháng 4–10 là giai đoạn rùa biển sinh sản.
– Trong khoảng từ ngày 12/4 đến 4/5/2025, đã ghi nhận 5 lần rùa biển xuất hiện, trong đó có trường hợp rùa bơi theo cặp.
– Đặc biệt, tại rạn san hô Đông Bắc – một trong những rạn có độ đa dạng sinh học cao nhất Nam đảo Phú Quốc – nếu may mắn, du khách có thể bắt gặp bóng dáng đồi mồi lướt nhẹ vào sáng sớm hoặc chiều.

Dcim103goprogopr0075.jpg
Hình ảnh đồi mồi bơi qua rạn san hô Đông Bắc, được ghi lại bởi đội ngũ OnBird vào ngày 04/05/2025

Sự trở lại mong manh này là lời nhắc nhở rằng: Mỗi hành động bảo vệ biển hôm nay đều có thể định hình tương lai của các loài rùa biển.

5. Làm thế nào để bảo vệ rùa biển?
– Không chạm vào rùa biển khi gặp chúng dưới nước.
– Không tham gia mua bán, khai thác các sản phẩm từ rùa.
– Lựa chọn những đơn vị du lịch có trách nhiệm và tôn trọng thiên nhiên.
Mỗi quyết định, dù nhỏ nhất của bạn, đều góp phần giữ cho đại dương mãi là ngôi nhà an toàn của những sinh vật biển quý hiếm này.

 

https://www.youtube.com/watch?v=1Xm9uWfUF-g