Tổng diện tích phân bố của rạn san hô vào khoảng 473,9 ha; trong đó vùng phía nam quần đảo An Thới chiếm đến 362,2 ha (76%). Trên 260 loài gồm 252 loài san hô cứng và 8 loài san hô mềm thuộc 49 giống của 14 họ 152 loài thuộc 71 giống cá rạn san hô; 48 loài sinh vật thân mềm kích thước lớn; 25 loài da gai; 53 loài rong lớn thuộc 32 chi đã xác định được. Độ phủ san hô cứng trung bình 44,5% (Bậc 3), đặc biệt có nơi lên đến 82,5% (tại Bắc đảo Phú Quốc). Các giống san hô chiếm ưu thế là Porites, Acropora, Montipora và Pavona. Cá rạn san hô có mật độ trung bình 418 cá thể/100m2, trong đó cá có kích thước bé 1 – 10 cm thuộc các họ cá Thia Pomacentridae, cá Bàng Chài Labridae và cá Miền Caesionidae chiếm ưu thế. Mật độ thân mềm kích thước lớn trung bình 4 cá thể/100m2 với các loài Trochus maculatus, Atrina vexillum, Cypraea arabica, Tridacna squamosa có mật độ cao tại các điểm khảo sát. Da gai kích thước lớn có mật độ trung bình 191 cá thể/100m2, trong đó Diadema setosum và Echinothrix diadema chiếm ưu thế. Khu hệ cá rạn san hô vùng biển Phú Quốc thể hiện tính đặc trưng giàu có về thành phần loài họ cá Mú Serranidae nhưng lại nghèo nàn họ cá Bướm Chaetodontidae và không có sự hiện diện của họ cá Đuôi Gai Acanthuridae. Một số loài sao biển và cầu gai thường gặp ở các vùng biển khác như Linckia laevigata và Diadema savignyi rất hiếm hoặc không bắt gặp tại Phú Quốc. Mật độ thân mềm có giá trị kinh tế chủ yếu là ốc Đụn (Trochus sp.) và trai Tai Tượng (Tridacna sp.). So với các khu vực khác vùng ven bờ Việt Nam, các rạn san hô Phú Quốc vẫn duy trì trong tình trạng tương đối tốt nhưng nguồn lợi sinh vật rạn đã và đang bị khai thác cạn kiệt.
Số Lượng San Hô Phú Quốc So Với Các Địa Phương Khác Tại Việt Nam
Với khoảng 260 loài san hô tạo rạn được ghi nhận đã cho thấy khu hệ san hô tạo rạn vùng biển Phú Quốc khá đa dạng. Tuy nhiên, nếu so với một số vùng biển khác ven bờ Việt Nam thì khu hệ san hô tạo rạn Phú Quốc chỉ cao hơn so với tây vịnh Bắc Bộ (186 loài; Võ Sĩ Tuấn và cs., 2005), Đà Nẵng (191 loài, Nguyễn Văn Long và cộng sự, 2006) và vịnh Vân Phong (215 loài; Võ Sĩ Tuấn và cs., 2005), tương đương với Cù Lao Chàm 261 loài (Nguyen Van Long và cs., 2006b) nhưng lại thấp hơn nhiều so với Nha Trang (350 loài), Ninh Thuận (308 loài), Côn Đảo (300 loài) (Võ Sĩ Tuấn và cs. 2005)..
NHỮNG RẠN SAN HÔ ĐẸP NHẤT PHÚ QUỐC ĐỐI VỚI LẶN ỐNG THỞ VÀ LẶN BÌNH KHÍ
Đặc Điểm Loài Cá Tại Vùng Biển Phú Quốc
Cho đến nay đã ghi nhận được 152 loài thuộc 71 giống và 31 họ cá rạn san hô tại vùng biển Phú Quốc. Các họ cá có số lượng loài phong phú bao gồm cá Thia Pomacentridae: 30 loài, tiếp đến là họ cá Bàng Chài Labridae: 21 loài, họ cá Mú Serranidae: 13 loài, họ cá Mó Scaridae: 11 loài, họ cá Sơn Apogonidae: 9 loài, họ cá Dìa Siganidae và họ cá Đổng Nemipteridae mỗi họ có 8 loài, họ cá Hồng Lutjanidae: 7 loài, họ cá Miền Caesionidae: 6 loài và một số họ cá khác mỗi họ ghi nhận được không quá 4 loài. Điều rất đáng ghi nhận ở khu vực này là sự giàu có về thành phần loài của họ cá Mú nhưng lại khá nghèo nàn về thành phần loài của họ cá Bướm Chaetodontidae (chỉ có 4 loài) và không có sự hiện diện của họ cá Đuôi Gai Acanthuridae. Các khu vực có số lượng loài nhiều nhất gồm đông hòn Vông (86 loài), tây hòn Thơm (78 loài), bắc hòn Vông (76 loài), hòn Xưởng và đông bắc hòn Mây Rút Trong (74 loài), hòn Dâm Trong (73 loài) (Bảng 3). Nhìn chung, các rạn san hô ở khu vực phía nam quần đảo An Thới có sự đa dạng về thành phần loài cá rạn san hô hơn so với các khu vực phía tây bắc đảo Phú Quốc.
Mặc dù đã có một số nghiên cứu về cá rạn san hô đã được tiến hành trong nhiều năm, nhưng với khoảng 152 loài cá rạn san hô đã được ghi nhận trên cơ sở tập hợp tất cả các nguồn tư liệu đã cho thấy khu hệ cá rạn san hô vùng biển Phú Quốc kém đa dạng hơn so với Cù Lao Chàm (200 loài; Nguyen Van Long, 2006), Đà Nẵng (162 loài; Nguyễn Văn Long và cộng sự, 2006), vùng ven bờ Bình Định (195 loài), vịnh Vân Phong (100 loài), Nha Trang (222 loài), Ninh Hải – Ninh Thuận (147 loài), Côn Đảo (202 loài) (Võ Sĩ Tuấn và cộng sự, 2005), vịnh Cà Ná (211 loài; Nguyễn Văn Long và Nguyễn Hữu Phụng, 1997) và vùng đảo phía bắc quần đảo Trường Sa (404 loài; Nguyễn Văn Long và cộng sự, 2008). Sự kém đa dạng về khu hệ cá rạn ở đây là do sự kém phong phú của các họ thuộc nhóm cá cảnh như họ cá Bướm Chaetodonidae (chỉ có 4 loài), họ cá Bàng chài Labridae, họ cá Lã vọng Scorpaenidae, họ cá Chình Muraenidae,…hoặc sự vắng mặt của họ cá Đuôi gai Acanthuridae.